GIỚI THIỆU SÁCH VỚI CHỦ ĐỀ CHÀO MỪNG NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/04

Với những vần thơ đầy xúc động nhà thơ Tố Hữu đã viết như sau:

Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hoá thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra.

…Anh thét to: “Ta có tội gì đây?”

Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.

Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt

Anh thét lên: “Chính Mỹ kia là giặc!”

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen

Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn

Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt

Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn

Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn:

Phải chiến đấu như một người cộng sản

Trái tim lớn không sợ gì súng đạn!

Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi

Anh thét lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi:

Đả đảo đế quốc Mỹ!

Đả đảo Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!”

Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!

Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ

Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy

Anh hãy còn hô: “Việt Nam muôn năm!”

Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!

Đó là những lời thơ viết về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, một trong những tấm gương sáng của thanh niên Việt Nam  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc để lớp lớp thế hệ trẻ mãi ghi nhớ và noi theo. Đúng như Bác Hồ đã viết: “ Vì Tổ quốc, vì nhân dân liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

 Vậy anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã sống và chiến đấu anh dũng thế nào? mời quý thầy cô giáo cùng các em học sinh  tìm đọc cuốn sách “ Sống như anh” do tác giả Trần Đình Vân ghi lại một cách rất chân thực qua lời kể của chị Quyên – vợ của anh Trỗi. Đây là cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học in lại vào năm 2013, có độ dày 267 trang, in trên khổ giấy 13,5x20,5cm.

 Nhân kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước( 30/04/1975-30/04/2025).Thư viện trường THCS Hoài Xuân trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc một  tác phẩm bất hủ  " Sống như Anh".

  Thưa quý bạn đọc!

 Cầm cuốn sách trên tay hình ảnh đầu tiên nổi bật trên trang bìa của cuốn sách gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc đó là hình ảnh hiên ngang của anh Nguyễn Văn Trỗi trước giờ ra pháp trường, với sự chứng kiến của nhiều phóng viên báo chí nước ngoài. Lật dở những trang sách tiếp theo người đọc sẽ bị cuốn hút theo lời kể của chị Quyên về anh Trỗi dưới ngòi bút ghi chép rất tài tình, tỷ mỉ của nhà văn, nhà báo Trần Đình Vân.

Câu chuyện kể lại rằng: Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 ở vùng quê nghèo làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng. Năm 1954, anh theo người thân vào Sài Gòn với mong muốn tìm việc làm. Khi đến Sài Gòn chưa có nghề nghiệp, anh tạm thời đạp xích lô đưa đón khách cả ngày lẫn đêm. Sau đó anh học ngành điện, và làm việc tại nhà máy điện Chợ Quán. Trong thời gian làm việc tại đây hằng ngày chứng kiến nhiều tội ác của bọn Mỹ ngụy gây ra cho nhân dân, anh uất hận và ngày càng căm thù giặc sâu sắc.Từ đây anh đã chọn con đường đi cho mình, là tham gia cách mạng, tự nguyện xin vào Đoàn thanh niên nhân dân, và anh trở thành chiến sĩ biệt động 65, thuộc Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.

 Ngày 21/04/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên. Ngày 02/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ từ tổ chức cho đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm tiêu diệt phái đoàn quân sự chính trị cấp cao của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert MaxNamara dẫn đầu sang kiểm tra kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam và hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam. Việc không thành, 22 giờ ngày 09/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và đúng 9h45 ngày 15/10/1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã vội vã xử bắn anh tại trường bắn Chí Hoà, dù trước đó chúng đã thoả thuận trả tự do cho anh với điều kiện quân du kích của Caracas (nhóm du kích chống chế độ thân Mỹ ở Venezuela) bên kia bán cầu thả viên trung tá không quân Mỹ Michael Smolen.quân khu Sài Gòn - Gia Định vào năm 1963.

Còn về Chị Phan Thị Quyên người vợ trẻ của anh Trỗi, mới cưới được chưa đến 20 ngày cũng không hề được biết công việc mà anh đang làm. Một ngày sau khi anh Trỗi bị bắt, địch đã bắt cả chị Quyên vợ anh vào tù. Trong thời gian bị giam giữ, chị mới biết chồng chị bị quân địch sử dụng nhiều phương thức để moi thông tin để tìm ra tổ chức đứng phía sau, hết tra tấn dã man rồi lại chuyển sang mua chuộc bằng những lời ngon ngọt, thậm chí đem chuyện gia đình vợ mới cưới xinh đẹp ra hòng làm nao núng trái tim anh, nhưng anh nhất định không khai nửa lời. Dùng mọi biện pháp tra tấn, đánh đập, ra đòn tâm lý với anh đều thất bại, bọn quân dịch quay sang dụ dỗ vợ anh để chị khuyên anh Trỗi quy hàng, nhưng chi Quyên cũng một mực không hé lộ bất cứ một thông tin nào, không điều tra được ở chị điều gì, lại không có lý do chính đáng để giam giữ chị nên kẻ thù đã phải trả lại tự do cho chị. Nhưng cũng chính thời gian chị bị giam tù trong khám, chị được gặp những người bạn tù là chiến sĩ cách mạng. Nhờ họ, chị mới thực sự hiểu nhiệm vụ công tác của chồng và đồng đội, đồng thời hiểu về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hiểu vì sao anh Trỗi tham gia chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 Quý bạn đọc thân mến!

Qua lời kể của chị Quyên người đọc không chỉ thấy được hình ảnh một anh Nguyễn Văn Trỗi thật dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù xâm lược mà ở đây chúng ta còn nhìn thấy hình ảnh một anh Trỗi  có một tỉnh yêu tha thiết với quê hương, hết lòng với cách mạng, dịu dàng, chu đáo với người yêu, với đồng bào, đồng chí. Tình yêu của anh Trỗi với chị Quyên có nhiều nét đẹp trong sáng, yêu thương vô hạn. Đọc “ sống như anh”, người đọc còn được gặp chị cán bộ X từng trải, giàu nghị lực, giàu kinh nghiệm đã dạy dỗ chị Quyên biết yêu quý những đức tính và sự dũng cảm của anh Trỗi, rèn luyện chị Quyên trở thành người vợ xứng đáng với anh. Có lẽ chị Quyên gặp được chị X mới hiểu được chồng của mình lớn lao và đáng quý đến mức nào. Vào tù, chị mới hiểu thật rõ, thật đầy đủ, mới cắt nghĩa được vì sao anh Trỗi yêu thương chị tha thiết mà lại có thể hi sinh hạnh phúc riêng một cách nhẹ nhàng đến như vậy. Trong tập thể anh hùng ấy, ta còn bắt gặp những con người trong cùng cảnh ngộ yêu thương nhau như thế nào, những em bé bán báo đã làm náo động đường phố Sài Gòn reo tên anh một cách phấn khởi, bác lái xe tốt bụng đã chở chị Quyên chạy khắp các nghĩa địa ở Sài Gòn để tìm xác anh Trỗi. Tất cả đều được miêu tả sinh động cho ta thấy một lực lượng vĩ đại mà không một sức mạnh nào có thể khuất phục, tiêu diệt được.

 Những câu nói đầy hiên ngang, bất khuất của anh Trỗi trước khi chết đã gây xúc động cho bao trái tim thế hệ những người con Việt Nam yêu nước như anh.

Một nhà báo hỏi, tại sao anh lại tìm giết một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, người mà anh chưa từng biết?

Anh Nguyễn Văn Trỗi:

  Các ông là những nhà báo, chắc các ông nắm được nhiều tình hình. Chính bọn Mỹ đã xâm lược nước tôi, giày xéo đất nước tôi. Chính thằng Mắc Na-ma-ra đã làm ra cả một kế hoạch để chiếm dần toàn Miền Nam. Tôi tìm giết thằng Mắc Na-ma-ra cốt để trừ khử một tên đã gây bao tội ác đối với đồng bào tôi, đất nước tôi.

Một nhà báo khác:

- Anh có tiếc gì không trước khi anh chết?

Anh Trỗi:

  Tôi chỉ tiếc chưa giết được tên Mắc Na-ma-ra!

Khi cố đạo đến làm lễ rửa tội, anh từ chối thẳng thừng:

 Ông không cần làm việc đó. Kẻ có tội không phải là tôi. Kẻ có tội là bọn Mỹ và không ai có thể rửa sạch tội của chúng!

Khi cảnh binh bịt mắt, anh đã giật phăng và nói: Không! Phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi !

Anh hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ”! Đả đảo Nguyễn Khánh”! Từng loạt đạn vang lên. Nhưng vang dội hơn những loạt đạn giết người đó là tiếng hô “Việt Nam muôn năm”,Hồ Chí Minh muôn năm” từ lồng ngực chất chứa tình yêu Tổ quốc, niềm tin yêu vào cách mạng và lãnh tụ. Khí phách ấy, tình yêu chân thành ấy đã làm nao núng cả pháp trường, cảm hóa được cả những kẻ bên kia chiến tuyến.

Chính một số nhà báo đã không cầm nổi nước mắt. Họ không thể tưởng tượng một người trước cái chết lại bình thản đến như vậy. Một số nhà báo lúc này đã nhìn ra sự thật: " Không ai yêu Tổ Quốc Việt Nam bằng những người Cộng sản, họ đã yêu đất nước, quê hương cho tới phút cuối cùng của đời họ".Tới hơi thở cuối cùng, anh vẫn chiến đấu quyết liệt. Anh không hề lựa chọn cuộc sống đầy đủ nhưng hại nước hại dân. Anh hiên ngang đón nhận cái chết

 Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng rất cảm động khi nghe chị Quyên kể về cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chồng mình. Hình ảnh của anh Trỗi lại gợi ta nhớ đến hình ảnh của anh hùng Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu trước đây. Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng đã hát bài Quốc tế ca. Từ nhà lao ra trường bắn, giữa hai hàng lưỡi lê của giặc, xích xiềng loảng xoảng dưới chân chị Sáu vẫn cất cao tiếng hát với cả tấm lòng dạt dào yêu mến quê hương, xứ sở. Tất cả cho chúng ta hiểu ra một điều, thì ra dù trong hoàn cảnh nào, kể cả trước cái chết, người cách mạng vẫn lạc quan yêu đời.

  Quý thầy cô và các em thân mến!

Cuốn sách “Sống như anh” của tác giả Trần Đình Vân được Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1965, và đã gây được tiếng vang lớn, được bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình.  Kể từ đó đến nay cuốn sách “ “Sống như anh”  đã được xuất bản nhiều lần với hơn bốn mươi vạn cuốn.  Bên cạnh đó, sách còn được giới thiệu trên Đài phát thanh khắp cả nước. Với thể loại truyện ký, tác giả đã đem đến cho bạn đọc một nội dung cốt truyện hoàn toàn có thật, không hề có sự hư cấu, đem đến cho người đọc một bài ca lớn về Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng Việt Nam. Một tác phẩm nghệ thuật và cũng chính là linh hồn, là lý tưởng sống cao đẹp của biết bao thế hệ trẻ Việt Nam cả trong thời chiến lẫn thời bình.

 

 

 


1. Sống như Anh/ Vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể ; Trần Đình Vân ghi.- Hà Nội: Văn học, 2007.- 267tr.; 21cm.
     Chỉ số phân loại: 895.9228403 TDV.SN 2007
     Số ĐKCB: TK.00820,

Hình tượng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng trong văn học nghệ thuât của nhiều tác giả. Tên anh cũng được đặt cho nhiều địa danh, trường học trên khắp đất nước. Tác phẩm “ Sống như Anh ”của nhà văn Trần Đình Văn là tập hồi kí nổi tiếng nhất viết về anh Trỗi. Khi cuốn sách được xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời mở đầu cho tác phẩm “Vì tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập”. Đây không chỉ là cuốn sách được tái bản nhiều lần mà còn là một trong những cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất.

Các em học sinh hãy xem như cuốn sách là cẩm nang về tinh thần dũng cảm nhé!. Hãy đọc và cảm nhận được tất cả sự bất khuất kiên cường, để thấy được họ là những người vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Và sau khi đọc xong cuốn sách các em hãy  sống như anh hùng Nguyển Văn Trỗi nhé!. Các em hãy luôn  yêu Tổ quốc yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, kiến thiết xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với công ơn to lớn của các anh hùng đã hy sinh giành độc lập dân tộc, để cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay.

  Quyển sách này hiện đang có tại thư viện trường THCS Hoài Xuân. Xin  hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc.